Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng làm rõ bản chất của 4 cách trong tiếng Đức cũng như cách sử dụng của chúng.
Trong từ điển danh từ được ghi lại trong cách một (Nominativ) có cả số ít (Singular) và số nhiều (Plural). Nếu là cuốn từ điển tốt thì còn có cả sự biến đuôi của danh từ đó khi được sử dụng trong cách hai (Genitiv) và cách ba (Dativ).
- Khi được sử dụng trong câu danh từ bắt buộc phải đứng vào một trong bốn cách.
Nó phải đứng trong cách nào thì tùy thuộc vào giá trị của động từ trong câu đó (Wertigkeit des Verbs) và nếu danh từ đó đứng sau một giới từ (Präposition) thì cũng còn phụ thuộc vào quyền đòi hỏi cách của giới từ đó (Rektion).
- Có hai phương pháp để nhận biết được danh từ trong câu đang đứng trong cách nào.
Cách thứ nhất:
sử dụng đại từ nghi vấn (Interrogativpronomen) như sau:
Wer/Was? = cách một (Nominativ)
Wessen? = cách hai (Genitiv)
Wem? = cách ba (Dativ)
Wen/Was? = cách bốn (Akkusativ)
Ví dụ:
Der Chef gibt der Sekretärin einen Ordner.
Wer gibt der Sekretärin einen Ordner? // Cách một (Nominativ)
Danielas Chef gibt der Sekretärin einen Ordner.
Wessen Chef gibt der Sektrtärin einen Ordner? // Cách hai (Genitiv)
Der Chef gibt der Sekretärin einen Ordner.
Wem gibt der Chef einen Ordner? // Cách ba (Dativ)
Der Chef gibt der Sekretärin einen Ordner.
Was gibt der Chef der Sekretärin? // Cách bốn (Akkusativ)
Chú ý:
Phương pháp này cũng chỉ có tính tương đối, bởi vì nhìn vào phần trên ta đã thấy là cách một và bốn đã có cùng „Was?“ chung nhau.
Thêm nữa giống cái và giống trung không có sự khác biệt gì khi đứng trong cách một và cách bốn.
Die Frau schlägt das Kind. // Người đàn bà đánh đứa trẻ.
Das Kind schlägt die Frau. // Đứa trẻ đánh người đàn bà.
Trong trường hợp này thì như trong tiếng Việt, chỉ có cách kết luận là ai được nói đến trước sẽ là thủ phạm.
Cách thứ hai:
Xác định chủ ngữ, vị ngữ trong câu.
Trước đó phải nhận rõ khung văn phạm của câu (Grammatikrahmen = vị ngữ). Chủ ngữ chúng ta đã biết luôn đứng trong cách một. Sau đó dựa vào động từ để xác định cách của những Objekt còn lại trong câu.
Chủ ngữ trong một câu tiếng Đức thường là một danh từ hoặc một đại từ.
Nếu là một đại từ thì có thể nhận ra chúng tương đối dễ dựa theo sự biến cách của đại từ, nhưng nếu là danh từ thì chúng ta phải dựa vào quán từ để xác định cách của danh từ đó vì bản thân danh từ hầu như không có đặc điểm gì khác biệt để nhận ra cách của chúng.
Để xác định chính xác chủ ngữ trong câu trước hết chúng ta phải học kỹ sự biến cách của quán từ.
Giữa chủ ngữ và động từ được chia phải có sự hòa đồng về số và ngôi. Sự hòa đồng này được gọi là „Die Übereinstimmung zwischen Subjekt und Prädikat“, tên thuật ngữ tiếng La tinh là „Kongruenz“.
Dựa vào sự hòa đồng này cũng như qua sự biến thái của quán từ chúng ta sẽ xác định được chính xác chủ ngữ trong câu. Sau khi xác định được chủ ngữ thì người ta có thể hiểu câu nói rất chính xác.
Căn cứ vào sự đòi hỏi cách của động từ (Valenz) chúng ta sẽ xác định được thành phần bổ sung đang đứng trong cách nào.
Chúng ta xem xét ngay một ví dụ.
Frau Schneider hat einen Strauß Blumen für die Lehrerin ihres Sohnes gekauft.
(Bà Schneider mua một bó hoa cho cô giáo của con trai bà ta.)
Khung văn phạm trong câu này là: …hat…gekauft (Perfekt). Động từ được chia là „hat“ và động từ chính là„kaufen-gekauft“.
Bây giờ chúng ta đặt câu hỏi: Wer hat gekauft? Antwort: Frau Schneider
Chủ ngữ „Frau Schneider“ có sự hòa đồng với động từ được chia (hat), như thế chúng ta biết „Frau Schneider“ đang đứng trong cách một (Nominativ).
Bây giờ chúng ta đặt câu hỏi: Was hat Frau Schneider gekauft? Antwort: einen Strauß Blumen.
Động từ „kaufen“ đòi hỏi thành phần bổ sung cách bốn vì thế Strauß Blumen cũng phải nằm trong cách bốn(einen).
„für die Lehrerin“ là präpositionale adverbiale Ergänzung. Giới từ „für“ đòi hỏi cách bốn vì thế „die Lehrerin“ cũng đứng trong cách bốn.
Và qua sự biến cách của đại từ sở hữu „ihres“ và danh từ „Sohnes“ chúng ta biết rằng đây là cách hai(Genitiv).
Kết luận:
- Một câu tiếng Đức có thể rất dài, rất phức tạp và vị trí của các thành phần trong câu rất khác nhau. Nếu chúng ta không xác định chính xác quan hệ „Ai làm gì ai“ trong câu thì dù là biết tất cả các từ cũng vẫn rất dễ hiểu sai câu nói.
- Cũng vì cấu trúc khung văn phạm rất đặc biệt trong một câu tiếng Đức nên khi nghe người ta phải nghe đến động từ cuối cùng trong câu mới hiểu hết và mới có thể dịch lại được, không thể dịch một câu tiếng Đức theo kiểu từ trái sang phải, nói đến đâu dịch đến đó được.
HOCTIENGDUC.DE