Tiếng Anh là ngoại ngữ đầu tiên của hầu hết mỗi chúng ta. Nhưng nếu bạn đã chinh phục được ngôn ngữ này kha khá, thì bạn sẽ chọn ngôn ngữ nào tiếp theo để học?
Vì sao? Bởi tiếng Đức phức tạp (!), và sự phức tạp này mới đủ khả năng độc đáo để chạm tới bộ não của người học.
Sự phức tạp của tiếng Đức
Danh từ
Danh từ có giống (giới tính) là một đặc trưng của tiếng Đức. Bố có giới tính đực, mẹ có giới tính cái, con cái thì chưa rõ giới tính thế nào nên gọi là giống trung (maskulin – der Vater, feminin – die Mutter, neutral – das Kind). Khi dùng từ trong câu, cách người Đức yêu cầu với các giới tính của danh từ này “biến hoá thần thông quảng đại” tuỳ thuộc vị trí của danh từ.
Số nhiều của danh từ là tiêu biểu cho sự phức tạp này. Trong tiếng Đức, danh từ số nhiều đa phần biến đổi đuôi khác số ít. Tuy nhiên có từ không có dạng số nhiều (die Sahne), mà cũng có từ không có dạng số ít – Pluraliatantum (Leute), nhưng đôi khi có từ vừa là số nhiều vừa là số ít (der Käse).
Hệ thống động từ
Trong tiếng Việt, nếu muốn nói thì quá khứ thì chỉ cần ” tôi ĐÃ làm”. Tiếng Đức thì không. Người Đức trước khi làm phải biết mình sẽ làm gì, giống như trước khi chia động từ phải quyết định xem mình sẽ nói hay mình sẽ viết nó ra? Vì hai dạng này của mỗi động từ hoàn toàn…chẳng liên quan gì đến nhau.
Trước lúc nói và viết, giống như trước khi dùng cái gì cũng phải hiểu thật kỹ về nó, cần nhớ xem động từ đó là động từ mạnh hay yếu? Thuộc nhóm bất qui tắc hay không bất qui tắc? Bản chất bên trong động từ đó chuyển động hay không chuyển động? Hình thái bên ngoài thì nó thuộc nhóm tách được hay không tách được?
Tiếng Đức có rất nhiều động từ yếu, nhưng có kha khá những động từ vừa yếu vừa bất qui tắc nên nó biến đổi trông giống động từ mạnh nhưng khi dùng thì chia như động từ yếu (như brennen, kennen, nennen, rennen, senden, wenden là động từ yếu bất qui tắc nhưng gehen, stehen là động từ mạnh…).
Để phong phú thì cũng thi thoảng có động từ lại thích vừa chuyển động được vừa mạnh, như brechen, fliegen, nhưng có động từ chuyển động được nhưng lại vừa yếu và bất qui tắc như rennen.
Có nhóm động từ chuyển động được nhưng thi thoảng lại vừa không chuyển động được. Hoặc cùng là nghĩa chỉ một hành động nhưng hai từ hơi giống nhau thuộc hai nhóm chuyển động và không: Ich bin eingeschlafen nhưng Ich habe geschlafen. Đồng thời, động từ cùng nghĩa mà một cái mạnh một cái yếu, như legen sẽ là haben gelegt, còn liegen sẽ là haben gelegen, dù cả hai đều đề cập hành động nằm xuống.
Tiếng Đức phức tạp … để làm gì?
Sự phức tạp của tiếng Đức đôi khi khiến người học… đập bàn đập ghế vì không thể hiểu nổi. Nhưng tại sao tiếng Đức lại cần phức tạp ”một cách phức tạp” như vậy?
Trong cuốn ”Through the language glass – Why the world looks different in other languages” của Guy Deutscher, có nói:
”Ngữ pháp của một số ngôn ngữ không đủ lô-gic để diễn đạt những ý kiến phức tạp. Nhưng tiếng Đức thì khác, nó lại là một phương tiện lí tưởng cho việc hình thành những tri thức triết học chính xác nhất. Tiếng Đức cũng là một ngôn ngữ đặc biệt có thứ tự tổ chức, đó là lí do tại sao người Đức lại có tư duy hệ thống chặt chẽ như vậy…”
Để dễ tưởng tượng thì hãy nghĩ tới cái ô tô, ngôn ngữ đơn giản chỉ nói chung chung nó là cái ô tô, còn ngôn ngữ phức tạp có thể mô tả nó chi tiết nhất có thể mọi bộ phận bên trong nó.
Không phải tự nhiên mà những triết gia, nhà khoa học, nhà tâm lí học, đại thi hào,.. bậc nhất thế giới lại xuất phát từ Đức, nào là Einstein, Freud, Marx, Engel, Goethe, Bach, Martin Luther… Và bạn biết đấy, số người đạt giải Nobel trên thế giới từ Đức cũng thuộc top đầu. Hoặc vô số các nhà khoa học khác đến từ các nước nói tiếng Đức như Áo, Thuỵ Sỹ… Họ ít nhiều có sự ảnh hưởng bởi tiếng Đức trong quá trình nghiên cứu và sáng tác của mình.
Chính bởi tiếng Đức có sự ưu việt trong việc mô tả các hiện tượng, khiến nó trở nên rõ ràng. Khi mọi thứ càng được diễn đạt rõ ràng, thì càng dễ dàng phân tích và hiểu các hiện tượng này.
Vậy cụ thể là tiếng Đức ưu việt thế nào?
Tiếng Đức có những từ rất dài để mô tả kỹ lưỡng và bóc tách một hiện tượng mà ngôn ngữ khác chỉ có thể nói chung chung. Một từ tiếng Đức thì dài được đến cỡ nào? Có thể đến cỡ này là cùng:
”Grundstücksverkehrsgenehmigungszuständigkeitsübertragungsverordnung”
hay từ này:
”Donaudampfschiffsfahrtsgesellschaftskapitänskajütenschreibtischflaschenhalter“
hay từ này nữa:
”Rindfleischetikettierungsüberwachungsaufgabenübertragungsgesetz”
Nhưng đồng thời, tiếng Đức cũng có những từ rất ngắn để mô tả những hiện tượng mà các ngôn ngữ khác phải dùng cả câu để thể hiện. Ví dụ:
Schadenfreund (cười trên nỗi đau khổ của người khác)
Hơn cả, ngoài tác động tư duy, học tiếng Đức phải hiểu văn hoá Đức: sự đúng giờ, nghiêm túc, chính xác… nhờ vậy, tác động không nhỏ tới thói quen và hành xử của chúng ta.
Vì thế, tại sao không chọn tiếng Đức để có thể thử nâng cao tư duy của mình?
© 2024 | Học Tiếng Đức
Chương trình hội nhập Cuộc sống ở Đức