Kinh nghiệm học và làm bài thi nói tiếng Đức trình độ B1 giúp bạn đạt điểm cao

Trong Kỹ năng nói của bài thi tiếng Đức trình độ B1 là phần thi có tỷ lệ trượt không hề nhỏ và khiến nhiều bạn lo lắng. 

Tuy nhiên, không nhiều bạn để ý rằng, có những chi tiết tưởng chừng không quan trọng nhưng lại có tác dụng giúp các bạn nâng cao điểm số của mình rất tốt.

Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ những kinh nghiệm ôn tập cũng như làm bài thi sẽ giúp bạn cải thiện kết quả cho phần thi nói.

Mình từng thi kỹ năng nói 2 lần, 1 lần ở ĐH Hà Nội vào tháng 11/2014 và được 91 điểm, lần thứ 2 là vào tháng 12/2014 ở Goethe Hà Nội đạt 87 điểm.

Tuy điểm số không phải là cao xuất sắc nhưng mình học không quá vất vả như nhiều bạn khác.

Mình học theo kiểu gạch ý và chọn ra khoảng 15 mẫu câu mình thích sử dụng nhất (nôm na là nói nhiều thì quen mồm nhất ) để diễn tả tất cả các ý cho cả phần Partnerarbeit (nói cặp) và Präsentation (thuyết trình).

Vậy cho nên bài nói của mình không hoa mỹ, cũng không sử dụng nhiều câu từ phức tạp, dài dòng nhưng mình trình bày gãy gọn, có kết cấu rõ ràng và mình nói ý nào các thầy cô đều nghe được hết ý đó.

Vậy nên những gì mình viết trong bài viết này đều dựa trên kinh nghiệm thi thực tế của mình.

Mình sẽ không bàn đến phạm vi kiến thức cần ôn trong bài thi nói tiếng Đức trình độ B1 trong bài viết này mà sẽ để dành riêng sang một bài viết khác nhé! Cách kết cấu, tìm ý bài nói ra sao thì mình học và luyện thi của cô Nhung ở Lý Thường Kiệt. Nếu bạn nào cần số của cô cứ nhắn tin facebook cho mình mình sẽ gửi số của cô.

Kinh nghiệm học và làm bài thi nói tiếng Đức trình độ B1 giúp bạn đạt điểm cao - 0

Trước hết, mình sẽ nói đến kinh nghiệm khi làm bài thi nói:

1. Không nên nói ngọng.

Điều đầu tiên mình xin nhấn mạnh, đó là cần hạn chế nói ngọng (╥﹏╥).

Bạn muốn đối phương hiểu được ý của bạn, có thể chưa cần nói hay nhưng đầu tiên phải nói được chuẩn hoặc gần chuẩn.

Tật nói ngọng sẽ khiến bạn mất điểm rất nhiều ở phần đánh giá Aussprache (phát âm).

2. Ngồi ngay ngắn, nhìn vào đối phương khi nói

Nên ngồi ngay ngắn, thẳng lưng, tay có thể đặt lên bàn hoặc đặt lên đùi.

Khi nói, hãy nhìn vào đối phương (nhìn vào bạn cùng thi khi thi phần nói cặp và nhìn vào thầy cô giáo khi thi phần thuyết trình cũng như phần trả lời câu hỏi).

Tránh nhìn lên trần nhà hay một vị trí vô định bởi điều đó sẽ thể hiện rằng bạn đang thiếu tự tin.

Thoải mái, tự tin sẽ khiến thầy cô giáo có cảm tình (đặc biệt là thầy/cô giáo người Đức ở viện Goethe Hà Nội và Hanu) và đôi khi sẽ chấm điểm thoáng hơn cho bạn.

Đoạn cuối khi cảm ơn thầy cô đã lắng nghe, bạn cũng có thể cười nhẹ chứ mặt đừng hình sự quá.

3. Không tham nói nhanh. Biết nhấn mạnh vào động từ ở cuối câu.

Hãy nói chậm rãi, rõ ràng. Bạn nên nói tròn một ý hoặc trọn một câu rồi ngắt nhịp, chứ không nên đang nói thì nghỉ cả một đoạn dài rồi mới nói động từ (vì động từ đặt ở cuối câu), kiểu như: Du hast doch sicher von dem Rockfestival gehört, das hier Ende des Monats ...................... stattfindet ⊙▃⊙ như vậy người nghe sẽ không hiểu.

Đặc biệt, khi thi ở viện Goethe Hà Nội, các bạn sẽ không được thầy cô ghi âm bài thi nói.

Điểm số của các bạn sẽ phụ thuộc nhiều vào những gì thầy cô ghi chép trong giấy nhận xét.

Vì vậy, để tránh mất điểm oan, sau khi nói xong một ý, bạn hãy quan sát.

Nếu thầy cô ghi vào giấy và gật nhẹ đầu, tức là thầy cô đã nắm được ý bạn nói để cho điểm, rồi sau đó bạn hẵng tiếp tục nói ý tiếp theo. Nếu thấy thầy cô chưa ghi được, tức là bạn cần nói chậm lại hoặc nói rõ ý hơn.

Tuy nhiên cũng đừng vì thế mà mất bình tĩnh nhé!

À còn 1 lưu ý nữa, các bạn biết là tiếng Đức quan trọng nhất là động từ ở cuối câu, nếu thầy cô không nghe được động từ ở cuối câu thì sẽ chẳng hiểu cả câu bạn nói là gì.

Thế nên khi nói 1 câu, bạn cần đặc biệt nhấn giọng và nói thật rõ ràng động từ ở cuối câu nhé!.

4. Không tham sử dụng từ và mẫu câu phức tạp.

Đây vừa là kinh nghiệm học vừa là kinh nghiệm làm bài thi nói.

Bài thi viết bạn càng cần dùng những từ ngữ và cấu trúc hay bao nhiêu thì trái ngược lại, bài thi nói nên đơn giản hóa những thứ ấy.

Thực tế, bạn chỉ cần nắm được khoảng 10 - 15 cấu trúc câu cơ bản là có thể vận dụng linh hoạt trong bài thi nói rồi

Việc sử dụng từ và mẫu câu phức tạp dẫn đến 2 tác hại sau:

- Thứ nhất, rất khó để học.

Nhiều bạn hơi tham lam một chút khi đưa những từ và mẫu câu quá phức tạp, quá khó nhớ vào bài, dẫn đến bạn buộc phải học thuộc lòng từng bài một như vẹt.

Khi vào phòng thi, chỉ cần bạn quên một ý là ngay lập tức sẽ bị ngắc ngứ, không nói tiếp được. Đấy là chưa kể nếu có quá nhiều đề cần ôn thì chắc chắn bạn sẽ không thể học được hết ಠ_ృ .

- Thứ hai, chính vì học vẹt thì khi nói cũng sẽ "như vẹt".

Còn nếu bạn học bằng cách gạch ý và nói theo ý mình hiểu thì sẽ trôi chảy và tự nhiên hơn rất nhiều. Mà để có thể học bằng cách gạch ý, bạn hãy biết tận dụng những mẫu câu và từ vựng đơn giản nhé!

5. Hãy tìm Partner của mình trước ngày thi.

Danh sách chia cặp thi nói thường được công bố trước 2-3 ngày, vì vậy các bạn hãy lên một số group học tiếng Đức trên Facebook để tìm bạn thi nói của mình và tranh thủ trao đổi với bạn đó ít nhất 1 buổi trước khi thi (có thể gặp mặt trực tiếp hoặc qua skype cũng được).

Khi gặp mặt, hãy cố gắng thống nhất phong cách nói trong bài Partnerarbeit sao cho khớp nhau, ví dụ: bạn này nói ý này, bạn kia nói ý kia, ai là người mở đầu, ai là người chốt,...

Như vậy, đến khi thi các bạn sẽ không bị gặp tình trạng người này nói mà người kia không hiểu, dẫn tới bài làm không được tốt.

À, vì ở cuối bài thuyết trình, bạn sẽ cần có 1 câu hỏi của Partner.

Nếu được thì các bạn cũng có thể thống nhất trước với Partner/Partnerin của mình câu hỏi đó là gì để luyện trả lời trước.

Trên đây là một số kinh nghiệm của mình. Nếu nghĩ ra thêm gì mình sẽ bổ sung sau.

Chúc các bạn học tốt thi tốt.

Trần Giang Linh

 


© 2024 | Học Tiếng Đức

Chương trình hội nhập Cuộc sống ở Đức



 

Bài học liên quan