Du học Đức hiện nay đang được coi là một trong những lựa chọn tốt nhất trong hành trình du học của các bạn trẻ.
Với những ưu điểm vượt trội như miễn phí học phí, hệ thống trường học cũng như khối ngành đa dạng, bằng cấp quốc tế, khí hậu ôn hòa và văn hóa phong phú, có thể nước Đức chính là một trong những điểm đến lí tưởng nhất hiện nay.
Thế nhưng để đến được với ước mơ du học Đức trước hết chúng ta phải học tiếng Đức.
Học tiếng Đức không chỉ đơn thuần là học ngôn ngữ mới để biết mà hơn thế phải thành thạo để sau khi đặt chân đến Đức, bạn có thể sử dụng nó để giao tiếp hàng ngày và biến nó trở thành thứ ngôn ngữ mẹ đẻ thứ hai của mình.
Để việc học tiếng Đức trở nên dễ dàng hơn, bạn có thể tham khảo một số lời khuyên thú vị sau đây:
Muốn học giỏi ngoại ngữ, không chỉ riêng tiếng Đức mà tất cả các thứ tiếng khác, bạn nên học theo trình tự Phát âm – Ngữ pháp – Đọc hiểu – Từ vựng.
Khi bạn sử dụng một ngoại ngữ thành thạo thì nó sẽ giống như một cơ thể sống với ngữ pháp là khung xương, từ vựng là da thịt và tiếng nói hay phát âm là linh hồn.
1. Học phát âm:
Phương pháp học ngoại ngữ hiện đại không bắt đầu bằng giải thích ngữ pháp mà bằng luyện phát âm. Tất nhiên là phải có nguyên nhân của nó.
Nếu bạn bắt đầu bằng học ngữ pháp hay từ vựng thì bạn vẫn phải đọc cái từ đó lên, và nếu bạn phát âm không chuẩn thì về sau rất khó sửa .
Thế nên khi đi học tiếng Đức ở khoa Đức trường ĐH Hà Nội thì 2 tuần đầu tiên bạn chủ yếu chỉ học phát âm mà thôi.
Học phát âm lại phải rất intensiv mới hiệu quả. Một số âm của tiếng Đức khá khó phát âm.
Ví dụ như đợt trước mình học phát âm từ “ich” (tôi) cô giáo bắt cầm một tờ giấy mỏng đặt trước môi, khi phát âm mà tờ giấy nó phải lung lay, nghĩa là tạo ra âm bật hơi thì mới là phát âm chuẩn.
Nói thế không có nghĩa là học xong khóa phát âm này là bạn đã nói chuẩn hết rồi.
Khi tiếp xúc với người Đức và đặc biệt là từ khi sang Đức, bạn nên „dỏng tai lên“ mà nghe cách phát âm của họ.
Cách này sẽ giúp bạn nhanh chóng học được cách phát âm chuẩn nhất.
Ngoài ra bạn cũng nên đăng kí một khóa học tiếng khi sang Đức để hoàn thiện khả năng giao tiếp của bản thân.
2. Học ngữ pháp:
Nhiều người không coi trọng việc học ngữ pháp, cho rằng nói sao để hiểu nhau là được rồi.
Đúng, nếu bạn làm những công việc đơn giản.
Còn khi bạn vào trường Đại học hoặc đi làm thực tập ở Đức mà bạn nói ngữ pháp không chuẩn thì bạn sẽ gặp rất nhiều bất lợi.
Đây không phải chỉ là trải nghiệm của cá nhân tôi mà hầu hết bạn bè đi học, đi làm ở Đức đều đã chia sẻ lại với tôi như vậy. Khi vào những môi trường nghiêm túc, yêu cầu cao thì bạn cũng phải nói năng tương ứng, chứ không thể nói chuyện như lúc tán gẫu với bạn bè được, đúng không?
Thư từ giao dịch và các bài viết nộp ở trường Đại học thì chuẩn ngữ pháp là điều bắt buộc. Thư xin việc mà bạn lại viết sai ngữ pháp thì thôi rồi.
Khi tiếng Đức của bạn chưa vững, bạn cảm giác mình chưa kiểm soát được hết các yếu tố ngữ pháp trong câu nói của mình thì đừng nói nhanh, nói chậm và để ý đến ngữ pháp quan trọng hơn!
Ông thầy tiếng Đức của tôi nói rằng: Tai người Đức nhạy cảm nhất với vị trí động từ, sau đó đến giới từ rồi quán từ và đuôi tính từ, chẳng hạn nếu bạn nói „Ich hab eine sehr gute Buch gefunden!“ (Tôi đã tìm thấy một quyển sách hay!) thì người nghe vẫn cảm giác „đúng“ hơn là khi bạn nói: „Ich habe gefunden ein sehr gutes Buch!“…
Cũng đừng nản khi mình chưa nói đúng được ngay vì bạn cũng thấy đấy, vị trí động từ trong tiếng Đức đôi khi ngược hẳn với tiếng Việt và tiếng Anh – là những ngôn ngữ chúng ta đã biết.
Cách tốt nhất là cứ mạnh dạn nói và nhờ người đối diện sửa cho mình khi họ thấy mình mắc lỗi nào đó.
Trong vòng 3 năm từ ngày đầu tiên sang Đức tôi luôn nói với những người bạn Đức của mình là: „Ich lerne Deutsch, bitte korrigiere meine Fehler für mich” (Tôi đang học tiếng Đức, hãy giúp tôi sửa những lỗi sai nhé!)
3. Đọc hiểu:
Nền tảng của Đọc hiểu chính là Từ vựng và ngữ pháp. Nếu bạn không có một vốn từ vựng khá, những bài văn đọc hiểu sẽ biến thành những dòng chữ nhảy nhót, càng đọc càng không hiểu.
Bên cạnh đó nếu ngữ pháp không ổn, bạn sẽ không thể phân tích cấu trúc câu, vậy nên dù bạn hiểu từng từ đơn lẻ trong câu thì nhiều khả năng bạn vẫn hiểu sai ý nghĩa của cả câu.
Hơn nữa thứ tự sắp xếp từ trong câu tiếng Đức không giống tiếng Anh và tiếng Việt nên việc đọc hiểu càng phải thận trọng hơn.
4. Học từ vựng:
Sau khi phân tích ngữ pháp bạn còn phải tra nhiều từ nữa mới có thể hiểu được nội dung câu ấy. Như vậy: Vốn từ vựng của bạn chính là „vốn“ để bạn bắt đầu sự nghiệp học tập trên nước Đức đó.
Theo thời gian càng tích lũy nhiều thì bạn càng „giàu“, càng có „vốn“ lớn hơn để theo đuổi những dự án lớn hơn! Học từ vựng không khó, chỉ cần chăm chỉ chịu khó mà thôi!
Cách học từ vựng của mình:
Mình viết mỗi từ mới 1-2 dòng, trong lúc viết thì tay viết, mắt nhìn, miệng nhẩm, tai nghe, đến hết dòng thì mình đặt 1 câu cho từ đó.
Lúc đặt câu là lúc bạn tìm một hình ảnh sinh động gắn với từ đó để „găm“ nó vào não.
Học từ nào thì học đến nơi đến chốn, với danh từ thì phải học der/die/das và dạng số nhiều, với động từ phải học cách chia bất quy tắc, tách hay không tách, với nghĩa này thì đi kèm giới từ nào, bổ ngữ là cách 3 hay cách 4, với tính từ thì khi biến đổi sang dạng so sánh có gì đặc biệt không, dùng kèm với giới từ nào, động từ nào.
Học kiểu này khá kỳ công, chỉ học được khoảng 10 từ một lúc là thấy „oải“ lắm rồi, ngồi cả buổi chiều có khi chỉ học được khoảng 20 từ.
Nhưng từ nào đã học thì không bao giờ quên cả, cũng chẳng bao giờ nhầm lẫn linh tinh.
Khi các bạn mới học tiếng Đức, trí nhớ còn tươi mới như chiếc đĩa trắng, hãy tranh thủ học thuộc lòng những hội thoại ngắn hay những đoạn văn hay.
Bộ nhớ của bạn sẽ gọi ra một từ dễ dàng hơn, nếu nó đã được nạp vào trong một ngữ cảnh cụ thể và sống động như vậy!
Có nhiều nghiên cứu nói rằng những thông tin bạn tiếp nhận trong vòng 30 phút trước khi đi ngủ sẽ đi vào vô thức sớm nhất, nên cũng có lời khuyên bạn dành khoảng thời gian này để học từ mới hoặc nghe 1 bài nghe.
Tôi khuyên các bạn nên sớm tập dùng từ điển Đức – Đức (của Langenscheidt hoặc Duden), ban đầu sẽ cần thời gian để quen, nhưng dần dần các bạn sẽ thấy rất hiệu quả.
Từ điển Đức – Đức giải nghĩa một từ bằng những từ tiếng Đức đơn giản hơn kết hợp với câu ví dụ và hình ảnh minh họa.
Học như thế bạn không chỉ được thường xuyên củng cố những từ đã biết (vốn từ căn bản) mà còn được luyện tập cách suy nghĩ bằng tiếng Đức luôn, không phải mất thời gian dịch nhẩm trong đầu nữa.
Nên nhớ: Khi sang Đức rồi thì các bạn phải học bằng tiếng Đức với người Đức mà!
Nếu bạn muốn hỏi gì thì bạn phải hỏi bằng tiếng Đức, khi trả lời bạn các thầy cô cũng lại trả lời bằng tiếng Đức mà!
Tức là bạn phải học làm sao để tiếng Đức thật sự trở thành công cụ làm việc cho bạn.
Thế nên muộn nhất là sau trình độ B1 thì các bạn phải sử dụng chủ yếu là từ điển Đức – Đức, dùng Đức – Việt chỉ khi có từ nào không thể nào hiểu nổi thôi.
* Một ý nhỏ cuối cùng muốn chia sẻ: tôi nghĩ rằng bạn sẽ rất khó để giỏi một ngoại ngữ nếu bạn cứ giữ mãi trong đầu ý nghĩ là bạn ghét nó!
Nếu bạn chưa yêu nó ngay, rất bình thường, có thể càng học càng tìm hiểu bạn sẽ càng yêu. Có thể bạn yêu nó vì bạn yêu những trải nghiệm, những cơ hội, những mối quan hệ mà ngoại ngữ ấy mang lại cho bạn.
Có một câu nói của Lênin mà tôi rất thích: „Biết thêm một ngoại ngữ là sống thêm một cuộc đời.“
Vậy nên khi các bạn bắt đầu có ý định du học Đức, hãy sẵn sàng chiến đấu với tiếng Đức và học nó với tất cả niềm đam mê nhiệt huyết như thể ta sống thêm một cuộc đời nữa nhé.
Phạm Hải Trang
© 2024 | Học Tiếng Đức
Chương trình hội nhập Cuộc sống ở Đức