Đại từ nhân xưng hay đại từ xưng hô hay đại từ chỉ ngôi là những đại từ dùng để chỉ và đại diện hay thay thế cho một danh từ để chỉ người và vật khi ta không muốn đề cập trực tiếp hoặc lặp lại không cần thiết các danh từ ấy.
Vậy trong tiếng Đức như thế nào?
a. Ngôi trong tiếng Ðức (Personen)
Bất cứ ngôn ngữ nào khi sinh ra cũng để đáp ứng nhu cầu trao đổi giữa người và người vì cũng chỉ người mới biết nói. Khi nói bao giờ cũng được chia ra làm ba phái khác nhau:
Kẻ nói, người nghe và nói về ai, về cái gì.
1. Phái thứ nhất: Người nói, có thể là một người nói (ich = tôi) hoặc nhiều người nói (wir = chúng tôi). Tiếng Ðức gọi là I. Person.
2. Phái thứ hai: Kẻ nghe, có thể là một người nghe (du = anh) hoặc nhiều người nghe (ihr = các anh). Tiếng Ðức gọi là II. Person.
3. Phái thứ ba: Ðây là phần còn lại của thế giới (Rest der Welt), được hai phái trên trong khi truyện trò nhắc đến. Có thể là một sự việc hoặc đồ vật hay là một người khác. Cũng như hai phái trên, phái này được chia ra số ít và số nhiều (er, sie, es, sie). Tiếng Ðức gọi là III. Person.
Trong tiếng Việt những phái này được gọi là ngôi: Ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai, ngôi thứ ba.
Tiếng Đức gọi là Personen. Do một số từ điển (Glossar) dịch rất đơn giản Person = người nên cũng có người bị nhầm lẫn ở đây. Person(en) có thể là người, nhưng không nhất thiết phải là người.
Ví dụ: Eine GmbH ist eine juristische Person.
Tạm dịch: Một hãng trách nhiệm hữu hạn là một cá thể tư pháp.
Ein Mensch ist eine natürliche Person.
Tạm dịch: Một con người là một cá thể tự nhiên.
Sở dĩ có người nhầm lẫn vì những câu tương tự như sau:
Ich bin heute einer merkwürdigen Person begegnet.
(Hôm nay tôi đã gặp một người kỳ quặc.)
Theo tôi cứ tạm gọi nó là cá thể có lẽ đơn giản hơn.
b. Đại từ nhân xưng trong tiếng Đức (Personalpronomen)
Ðể phân biệt một cách tương đối rõ ràng là ai nói, ai nghe và nói về cái gì… Người ta sử dụng một loại từ mà tiếng Việt gọi là đại từ nhân xưng.
Tiếng Ðức gọi là: Personalpronomen.
Chú ý: Chữ “nhân” có gốc Hán-Việt và có nghĩa là “người”: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy…” = “Người thọ 70 xưa nay hiếm…”. Nhưng Đại từ nhân xưng không phải chỉ dùng riêng cho người mà còn dùng cho cả đồ vật, súc vật v.v…
Der Hund bellt (con chó sủa). Er bellt.
Có một sự khác biết tương đối lớn giữa châu Á và châu Âu trong ngôi thứ xưng hô.
Rất may là sự khác biết này lại tương đối thuận lợi cho những người Á châu học tiếng Đức.
Chắc mọi người đều biết là châu Á bị ảnh hưởng rất lớn của Khổng giáo (Khổng tử).
Theo Khổng tử thì mọi quan hệ trong xã hội và gia đình được phân chia thứ tự rất rõ ràng có người lớn kẻ nhỏ. Vì thế mà người Á châu có rất nhiều ngôi thứ phức tạp : anh-chị-em, ông nội-bà ngoại, đã có chú thì phải có cháu…
Trong tiếng Đức thì đơn giản hơn nhiều.
Ví dụ: Chỉ một chữ “du” cũng đã có thể dịch là: anh, em, chị, bạn, mày, đằng ấy, người… nhiều vô kể.
Như đã nhắc qua trong phần so sánh giữa hai ngôn ngữ Đức-Việt. Khác với tiếng Việt tiếng Đức có sự chia động từ. Động từ được chia theo chủ ngữ, tức là cho các ngôi nói trên khi xưng hô. Sự chia động từ này hết sức quan trọng vì chủ ngữ (Subjekt) trong tiếng Đức có thể bị hoán vị, không phải lúc nào cũng đứng ở vị trí thứ nhất như tiếng Việt. Để nhận ra chủ ngữ người ta phải dựa vào hình thể được chia của động từ (konjugiertes Verb, Prädikat, vị ngữ).
Qua ba ngôi nêu trên và do số ít, số nhiều nên đại từ nhân xưng được chia làm 6.
Ngoài ra tiếng Ðức còn có một ngôi lịch sự gọi là Ngài (Sie). Ngôi này luôn viết hoa và động từ được chia như ngôi thứ nhất, số nhiều (wir).
Số ít (Singular):
ich (tôi) // I. Person, Singular
du (anh) // II. Person, Singular
er, sie , es (anh ấy, cô ấy, cái ấy) // III. Person, Singular
(Ngôi thứ ba số ít được chia ra ba giống: giống đực, giống cái và giống trung)
Số nhiều (Plural):
wir (chúng tôi) // I. Person, Plural
ihr (các anh) // II. Person, Plural
sie (họ) // III. Person, Plural
Sie (Ngài) // Ngôi lịch sự (Höflichkeitsform)
c. Sự biến cách của đại từ nhân xưng
(Die Deklination der Personalpronomen)
Mặc dù chỉ có một số ngôi nhất định như ở trên nhưng trong tiếng Ðức còn phân chia ra bốn cách khác nhau, gọi là cách một (Nominativ), cách hai (Genitiv), cách ba (Dativ) và cách bốn (Akkusativ).
Mỗi khi bị đổi cách thì đại từ nhân xưng cũng như phần lớn quán từ cũng bị biến đổi theo.
Đối với người mới học tiếng Ðức thì sự biến đổi này tương đối phức tạp, nhưng với thời gian thì sẽ nhận ra được và sẽ không còn gặp khó khăn nữa.
Đầu tiên chúng ta chỉ tập trung vào cách một (Nominativ).
Những đại từ nhân xưng trên đều đứng ở cách một (Nominativ). Trong trường hợp chúng không phải là chủ ngữ nữa thì chúng sẽ phải đứng ở những cách khác khi xuất hiện trong câu.
Sở dĩ nảy sinh ra những „cách“ rắc rối này là vì trong một câu tiếng Đức có sự hoán vị vị trí của chủ ngữ. Chúng ta hãy xem xét mấy ví dụ sau:
1. Ich gehe gerne in die Stadt. // Tôi thích đi vào thành phố.
2. Morgen hat Lisa Geburtstag. // Ngày mai Lisa có sinh nhật.
3. Gerstern Abend lief im Fernsehen ein toller Film.
(Tối hôm qua có một phim rất hay trên truyền hình.)
Những chữ mầu đỏ ở các câu trên là vị ngữ (Prädikat), Những chữ mầu xanh là chủ ngữ (Subjekt). Vị trí của chủ ngữ có thể nằm ở nhiều nơi khác nhau trong câu trong khi vị trí của vị ngữ không thay đổi. Để phân chia rõ ràng quan hệ „Ai làm gì ai?“ trong câu người ta phải sử dụng những „cách“ khác nhau ví dụ:
- Er will mich bald heiraten. // Sắp tới anh ta muốn cưới tôi.
- Mich will er bald heiraten. // Cũng như vậy
Những chữ mầu xanh lá cây là „tôi“ nhưng đứng trong cách bốn (Akkusativ-mich). Nếu là „Tôi muốn cưới anh ta.“ thì chữ tôi phải đứng trong cách một (Nominativ-ich). Trong câu thứ hai mặc dù vị ngữ hoàn toàn không thay đổi nhưng chủ ngữ đã bị hoán vị. Do có sự khác biệt về cách trong câu mà ta vẫn nhận ra quan hệ „Ai cưới ai?“.
Lối nói trong ví dụ trên dĩ nhiên là lối nói cổ. Ngày nay ở Đức và cả ở Việt nam nữa người ta thường nói „Wir wollen uns heiraten. = Chúng tôi muốn cưới (lẫn) nhau.“.
Cũng vì thế mà câu tiếng Đức phải có thứ bậc rõ ràng (Hierachie = Thứ tự, trật tự), không đơn giản theo thứ tự trước sau như tiếng Việt. Đối với người Việt đây là cái ải thứ hai khi học tiếng Đức.
Điều này cũng tương tự như người Đức khi phải học về ngôi trong tiếng Việt. Họ rất sợ khi phải phân biệt giữa dì và mợ, cô và bác, ông trẻ, ông ngoại, ông nội…
|
Nominativ (cách một) |
Genitiv (cách hai) |
Dativ (cách ba) |
Akkusativ (cách bốn) |
Singular (số ít) |
ich |
meiner |
mir |
mich |
du |
deiner |
dir |
dich |
|
er |
seiner |
ihm |
ihn |
|
sie |
ihrer |
ihr |
sie |
|
es |
seiner |
ihm |
es |
|
Plural (số nhiều) |
wir |
unser |
uns |
uns |
ihr |
euer |
euch |
euch |
|
sie |
ihrer |
ihnen |
sie |
|
Sie |
Ihrer |
Ihnen |
Sie |
Personalpronomen
Khi nào đại từ nhân xưng và các loại đại từ khác bị biến đổi cách của chúng?
Ai là thủ phạm quyết định sự biến đổi cách này? Chúng ta sẽ bàn đến dần dần ở những phần sau.
Phan Tuấn Phúc
© 2024 | Học Tiếng Đức
Chương trình hội nhập Cuộc sống ở Đức